Gạch không nung và câu chuyện mở đường
Gachchiunhiet - Gạch không nung và câu chuyện mở đường
Mọi sự bắt đầu đều sẽ gian nan, nhưng bắt đầu với một lĩnh vực mới mẻ thì sự khó khăn còn nâng lên gấp bội. Tôi đang muốn nói về những con người can đảm đã dũng cảm đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây không nung (VLXKN). Họ đã không ngại khó, không ngại khổ để tìm hiểu về lĩnh vực mới, đưa ra sản phẩm mới góp phần làm thay đổi thói quen sử dụng vật liệu xây truyền thống đồng thời thay thế gạch đất sét nung, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội.
Chập chững gây dựng cơ nghiệp
Năm 2011 đánh dấu nhiều khó khăn cho nền kinh tế chung của đất nước, trong đó, các DN ngành Xây dựng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Nhưng không phải vì thế mà không có những sản phẩm mới, chất lượng cao ra đời và đến được với người dân trên khắp mọi miền đất nước. Gạch không nung (trong đó có gạch xi măng cốt liệu, gạch nhẹ, bê tông khí chưng áp AAC…) cũng là một sản phẩm mới mẻ, đang dần chinh phục người sử dụng bởi những tính năng ưu việt hơn gạch nung và nó còn mang sứ mệnh cao cả mở đầu cho thời của vật liệu xanh. Mới, nhưng không có nghĩa là sẽ bị đánh bật, sẽ bị loại trừ, bởi VLKN đã được Chính phủ phê duyệt, theo đó, mục tiêu cụ thể của chương trình là: Phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung đạt tỷ lệ: 20 - 25% vào năm 2015, 30 - 40% vào năm 2020; Hàng năm sử dụng khoảng 15 - 20 triệu tấn phế thải công nghiệp (tro xỉ nhiệt điện, xỉ lò cao…) để sản xuất VLXKN, tiết kiệm được khoảng 1 nghìn ha đất nông nghiệp và hàng trăm ha diện tích đất chứa phế thải; Tiến tới xóa bỏ hoàn toàn các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công…
Ở các nước trên thế giới thì vật liệu này đã quá quen thuộc với các công trình cao tầng. Như ở châu Âu, châu Á ngay từ những thập kỷ 60, 70 của thế kỷ XX, ngành sản xuất VLKN đã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp và đến nay đã gần thay thế gạch đất sét nung. TS Trần Văn Huynh - Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam đã từng trăn trở: VLKN như xi măng cốt liệu đã được sản xuất và sử dụng rải rác trong nhiều năm nay, chủ yếu là các công trình do người nước ngoài làm chủ đầu tư như khách sạn Horison, Opera, Grand Plaza, Hilton, Crown Plaza, KeangNam… vì các nước phát triển đã quá quen sử dụng VLKN cho công trình bền vững, lâu dài. Còn ở Việt Nam, mới đây các nhà đầu tư người Việt bắt đầu sử dụng nhiều cho các công trình, đô thị mới. Sản phẩm bê tông nhẹ AAC ra đời còn mới lạ, người tiêu dùng chưa nắm bắt được tính ưu việt của nó, nên sử dụng còn hạn chế…”.
Đã có rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho thị trường của vật liệu này: Vì nó quá mới mẻ nên người dân chưa biết sử dụng? Vì chất lượng gạch không nung chưa tốt hay nó quá đắt so với gạch nung? Hay vì nó còn mới nên cơ chế chính sách hỗ trợ, giúp đỡ từ phía cơ quan chức năng, Nhà nước còn chậm…? Giải được những câu hỏi đó, thì các DN mới có thể thở phào nhẹ nhõm bước chân vào thương trường đầy cạnh tranh khốc liệt được. Trong các cuộc họp mở, họp kín, họp nhóm… nhiều lần tôi đã thấy các ông chủ tỏ ra khá gay gắt và bức xúc chưa thể tìm được một lối đi thông suốt cho sản phẩm, vì tiếp xúc thị trường còn khó mà nguyên nhân cũng một phần do sự hỗ trợ cơ chế, chính sách từ phía Nhà nước về vật liệu này còn chậm. “Suy cho cùng, muốn phát triển được sản phẩm thì phải do mình đầu tư, xây dựng và sản xuất nó như thế nào. Nếu như sản phẩm của mình tốt thì sẽ không lo là không có người mua, mặc dù sức mua còn chậm do người dân chưa biết mà thôi” - một ông chủ tiết lộ.
Nhưng dẫu sao, sau gần 2 năm, đến nay, cả nước đã có 9 nhà máy AAC đi vào hoạt động, 21 nhà máy sản xuất gạch xi măng cốt liệu đang hoạt động, 17 nhà máy bê tông bọt đang sản xuất… đấy là chưa kể còn hàng chục nhà máy đang lập dự án, chuẩn bị đầu tư trong tương lai. Những con số ấy cho thấy sự hưởng ứng của các DN đối với một chương trình của Chính phủ là khá mạnh mẽ và đông đúc. Tuy nhiên, lượng thì nhiều nhưng chất thì sẽ như thế nào nếu như không có một sự đầu tư phát triển đồng bộ và làm chủ công nghệ? Đây sẽ là niềm vui cho những ông chủ đã bước đầu thành công, làm chủ được công nghệ nhưng cũng là thách thức cho những ai đang muốn thử sức trong lĩnh vực mới mẻ này.
“Mỗi người một vẻ”
Tôi có cơ hội được gặp gỡ và tiếp xúc với các đại diện của DN sản xuất bê tông khí chưng áp với những cái tên đã cơ bản tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường như: Cty Bê tông khí VIGLACERA, Cty CP Vương Hải, Cty Sông Đà Cao Cường, Cty Gạch nhẹ Phúc Sơn, Cty CP Đầu tư xây dựng An Thái… Trong một “sân chơi chung”, họ thấu hiểu được những khó khăn mà lĩnh vực mình đang đầu tư, tuy nhiên, với những “cái đầu lạnh và trái tim nóng”, họ dần tạo ra được cái riêng biệt (hay còn gọi là bí kíp riêng) để cùng tạo ra một sản phẩm gạch tốt nhất phục vụ cho cuộc sống người dân. Đỗ Quốc Thái - Tổng giám đốc có tuổi đời còn rất trẻ của Cty CP Đầu tư xây dựng An Thái đã có những phút trải lòng về hành trình tạo dựng cơ nghiệp của mình: DN nào sau khi quyết định đầu tư thì việc đầu tiên cũng là lựa chọn địa điểm. Hơn nữa, vì là lĩnh vực mới, hiểu biết chưa nhiều, cũng chưa ai có kinh nghiệm nên việc tìm kiếm thiết bị máy móc có vai trò rất quan trọng. Quá trình tìm hiểu, tôi thấy thiết bị đồng bộ của châu Âu thì tốt giá lại quá đắt, nếu đầu tư sau này giá thành sản phẩm cao làm sao cạnh tranh nổi khi mà cả “làng” đầu tư thiết bị Trung Quốc ? Chúng tôi đành chọn lựa thiết bị theo cách của mình. Chúng tôi đi tham quan khoảng 30 - 40 nhà máy sản xuất AAC của Trung Quốc và các mô hình nhập khẩu của châu Âu vào Trung Quốc, làm việc với nhiều đối tác cung cấp thiết bị. Qua quá trình làm việc, chúng tôi nhận thấy, các nhà sản xuất thiết bị của Trung Quốc mạnh về thiết bị này thì lại yếu về thiết bị khác nên quyết định chọn giải pháp mua của mỗi nhà cung cấp một số thiết bị theo tiêu chuẩn châu Âu mà mình yêu cầu. Ngoài ra, chúng tôi phải học hỏi từ Đức, Thái Lan và Trung Quốc để đưa ra quy trình công nghệ nghiêm ngặt.
Cũng đầu tư sản xuất gạch AAC, nhưng Cty CP Sông Đà Cao Cường lại thành công với gạch AAC và vữa khô trộn sẵn có quy mô tiên tiến hiện đại, công suất lớn nhất và đầu tiên tại Việt Nam. Sản phẩm gạch AAC và vữa khô trộn sẵn mang thương hiệu SCL-BLOCK và SCL-MORTAR với tính năng ưu việt đang được cung cấp rộng rãi ở các tỉnh phía Bắc và cho các tòa nhà cao ốc như dự án Times City, tòa nhà đa năng 29 tầng - LICOGI 13…
Không đầu tư vào gạch AAC, nhưng DmC Group lại thành công khi sản xuất gạch xi măng cốt liệu (XMCL). Hiện nay, DmC Group còn tự nghiên cứu, chết tạo và phát triển dây chuyền công nghệ sản xuất gạch XMCL mang tên DmCline. Ông Đoàn Văn Vẽ - Chủ tịch tập đoàn cho chúng tôi biết: Về dây chuyền công nghệ sản xuất gạch không nung XMCL với quy mô công nghiệp, Việt Nam đã hoàn toàn chủ động, không còn phụ thuộc vào nước ngoài nữa, vì đã có một số nhà cung ứng thiết bị trong nước đang rất thành công như: DmC Group, Trung Hậu, Thanh Phúc, ĐH Bách Khoa, Phương Nam Block. Đã có nhiều nhà đầu tư dùng thiết bị sản xuất trong nước và mang lại hiệu quả cao về công nghệ cũng như chất lượng sản phẩm không thua kém so với của nước ngoài. Như vậy, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể tin tưởng lựa chọn các dây chuyền của Việt Nam, từ những dây chuyền thủ công, sản xuất bán thủ công đến những dây chuyền có quy mô công nghiệp.
Với một hệ thống sản phẩm chất lượng đã và đang “trình làng” cùng một nhà máy được đầu tư lớn, công nghệ hiện đại đã giúp các nhà máy sản xuất VLKN có một chỗ đứng trên thị trường bê tông khí chưng áp. Mục tiêu của DN là kinh doanh thì phải có lãi, nhưng không có nghĩa vì lợi nhuận mà bỏ qua tất cả. Đầu tư và phát triển vật liệu xanh như VLKN ở nước ta là những hướng đi khá mới mẻ đối với các DN.
Vẫn hàng ngày hàng giờ, những con người ấy đang nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng để đưa sản phẩm của mình đến từng ngõ ngách thôn xóm, khu phố, công trình xây dựng… Biết là khó khăn, nhưng họ quyết tâm không bao giờ dừng bước. Đối với những con người tiên phong trong lĩnh vực sản xuất VLKN, niềm vui sẽ nhân lên gấp bội khi thấy sản phẩm của mình đến được với người dân và vươn cao cùng các công trình xây dựng đón chào những mùa xuân mới.
Anh Tuấn
Read More Add your Comment 0 nhận xét
Dân chưa quen với gạch nhẹ không nung
Gachchiulua - Ở Việt Nam, gạch không nung mới được sử dụng khoảng 8 – 8,5%, bởi dân chưa quen và giá thành chưa thật sự hấp dẫn!
Từ năm 2000 - 2007, cả nước sản xuất khoảng 120 tỷ viên gạch nung, tiêu tốn 180 triệu m3 đất sét, mất khoảng vài ba chục ngàn ha đất canh tác (tuỳ trữ lượng đất sét, đào cạn hay đào sâu). Hội Vật liệu xây dựng cho biết năm 2008 cả nước sử dụng trên 22 tỷ viên gạch chuẩn; 2010 là 25 tỷ viên; 2015 là 32 tỷ viên; 2020 là 42 tỷ viên… phần lớn trong số đó là gạch sét nung.
Để nung 1.000 viên gạch tiêu chuẩn sẽ tốn 64 lít dầu FO. Nếu thay bằng đốt than, củi, trấu cũng cần phải có nhiệt lượng tương đương. Nếu nung 30 – 40 tỷ viên gạch sẽ tốn bao nhiêu nhiên liệu thì cứ thế mà nhân lên.
Ngày nay, nhiên liệu ngày càng khan hiếm, giá cả ngày càng cao! Trong quá trình nung sẽ thải ra môi trường nhiều loại khí độc hại như CO2, CO, SO2, cùng với khói bụi… gây hại cho sức khoẻ của con người, gây hiệu ứng nhà kính, làm biến đổi khí hậu… mà cả thế giới đang lo đối phó.
Nếu quen sử dụng gạch đất sét nung sẽ dẫn đến “hậu quả tai hại về lâu dài”: mất đất canh tác; tiêu tốn nhiên liệu; ô nhiễm môi trường… cần phải được thay đổi.
Quyết định số: 121/2008/QĐ-TTg ngày 29/08/2008 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển VLXD Việt Nam đến năm 2020 đã đưa ra lộ trình: năm 2010 gạch không nung sẽ chiếm tỷ lệ 10 – 15%, năm 2015 tăng lên 20 – 25% và năm 2020 sẽ đạt tỷ lệ 30 – 40%.
Dây chuyền sản xuất gạch nhẹ - không nung không quá phức tạp, hoàn toàn sản xuất được trong nước, giá thành hợp lý, rất thích hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có thể xây dựng cơ sở sản xuất ở nơi có nhu cầu và cung ứng được nguyên liệu nhằm giảm chi phí vận chuyển.
Nguyên liệu để sản xuất gồm xi măng, cát, phụ gia puzơlan nhân tạo (tro bay), phụ gia tạo bọt và nước… tất cả đều có sẳn trong nước. Nếu nhà nước có chính sách khuyến khích, chắc chắn giá thành sẽ rẻ hơn gạch nung.
KS. Phan Phùng Sanh, Hội Khoa học&Kỹ thuật Xây dựng TP. HCM, đề xuất, Bộ Xây dựng cần sớm ban hành Tiêu chuẩn thiết kế và Hướng dẫn thi công, nghiệm thu, bảo dưỡng, bảo trì, đơn giá. Để xây dựng bằng gạch nhẹ - không nung, cũng như bê tông nhẹ trong xây dựng các công trình cần có chính sách khuyến mãi trong một thời gian cần thiết đối với người sử dụng loại vật liệu này (được trừ vào nộp thuế, nộp cấp trên); tăng cao thuế tài nguyên đất dùng để sản xuất gạch nung; tăng thuế bảo vệ môi trường (tùy loại chất đốt) đối với những cơ sở sản xuất gạch đất nung thải ra nhiều loại khí độc hại; cho vay vốn ưu đãi đối với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế đầu tư vào việc sản xuất gạch nhẹ - không nung; miễn và giảm một số loại thuế đối với các doanh nghiệp đầu tư vào việc sản xuất gạch nhẹ - không nung trong thời gian thích hợp để có thể thu hút được nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực này.
Năm 2010, xi măng của nước ta sẽ thừa 5 – 7 triệu tấn và còn thừa nhiều hơn sau khi một số nhà máy mới đi vào hoạt động. Lượng “tro bay” thải ra từ các nhà máy điện đốt than có thể lên đến 60 triệu tấn vào năm 2020, đó là những thuận lợi rất lớn để sản xuất gạch nhẹ - không nung. Vấn đề là nhà nước cần sớm ban hành cơ chế, chính sách thích hợp, khuyến khích đầu tư. Chắc chắn, đến năm 2020 gạch nhẹ - không nung sẽ đạt được 40% thị phần, thậm chí còn cao hơn nữa, không phải là mục tiêu xa vời.
Gạch nhẹ - không nung ngày càng có nhiều tính vượt trội (theo thông số của Công ty Cổ phần Minh Nghĩa):
- Dung trọng (Kg/m3): 400 – 700.
- Cường độ nén (Kg/cm2): 25 – 80.
- Hệ số dẫn nhiệt (W/moC): 0,151.
- Cách âm (Db): 43.
- Kích thước: tuỳ theo yêu cầu của người sử dụng, xây dựng nhanh, ít tốn vữa so với gạch nung, nhất là xây nhà ở các khu tái định cư.
- Cưa, cắt, đóng đinh… dễ dàng.
- Sử dụng gạch nhẹ - không nung sẽ làm giảm nhẹ phần kết cấu móng, rất thích hợp đối với những công trình xây dựng trên vùng đất yếu, giá thành có thể rẻ hơn 5 – 7% so với sử dụng gạch đất nung.
Gạch nhẹ không nung được các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Tây Âu… sử dụng đến 70% thị phần gạch.
Nguồn: gachsieunhe
Read More Add your Comment 0 nhận xét